Cụ Thủy Tổ họ ta tên tự là Vũ Phúc Sinh.
Sinh vào khoảng đời vua Hiển Tông nhà Lê niên hiệu Cảnh thống (1497 – 1403). Nguyên quán tạo ấp Mộ Trạch – huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương.
Cụ là người có thiên tư hạnh ngộ, học thức tinh thông. Lúc sinh thời gặp phải nạn chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc kéo dài hàng mấy chục năm. Ở trấn Hải Dương và trấn kinh bắc là bãi chiến trường chính, nên việc làm ăn sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Ngoài tai nạn chiến tranh, vùng ven biển ở trấn Hải Dương, hàng năm thường bị những trận bão lớn, nhà cửa bị đổ, đê điều bị vỡ, nước sông, nước biển tràn vào ngập cả ruộng đồng, làng mạc, lúa má hoa mầu cây cối đều bị chết úng, ruộng đất bỏ hoang không cày cấy được, đời sống nhân dân càng thêm kiệt quệ, nạn đói lan tràn khủng khiếp.
Bởi vậy, nhân dân nhiều người phải rời bỏ cửa nhà dắt vợ bồng con đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.
Cụ Vũ Phúc Sinh cùng với anh em cũng phải lưu tán mỗi người một nơi để làm ăn sinh sống.
Anh em của cụ gồm cả thẩy 4 người:
– Một ở làng Trung Gián.
– Một cụ đến ở ấp Thông, huyện Đường Hào.
– Một cụ lên ở thôn Cẩm Bắc Ninh.
Còn cụ Vũ Phúc Sinh thì dẫn dắt vợ con đến thôn Cổ Đôi, huyện Tân Lục Minh (Tân Minh), thấy nơi đây ruộng đất phì nhiêu, cỏ cây xanh tốt, phong cảnh tươi đẹp, lại xa cách nơi chiến trường, có thể làm ăn sinh sống được.
Cụ bèn cùng với vợ con định cư ở đó, xây dựng cửa nhà, lập thành trang trại (gọi là trại Đồng Hùm) khai hoang phục hóa, cầy cáy, chăn nuôi, sau một thời gian đời sống gia đình dần dần được ổn định.
Cụ Thủy Tổ Vũ Phúc Sinh kết hôn cùng cụ bà người họ Đinh, sinh được năm con trai và hai con gái:
1. Vũ Phúc Lễ.
2. Vũ Chính Trung.
3. Vũ Minh Đạo.
4. Di cư vào tỉnh Thanh (Thanh Hóa).
5. Di cư vào tỉnh Thanh (Thanh Hóa).
Ghi chú:
Làng Mộ Trạch đến nay vẫn còn tên cũ.
Huyện Đường An – đến đời vua Duy Tân nhà Nguyễn đổi tên huyện Đường An thành huyện Bình Giang. Hiện nay là huyện Cẩm Bình, vì xát nhập hai huyện Cẩm Giàng và Bình Giang làm một gọi là Cẩm Bình.
Huyện Tân Lục Minh tức là huyện Tân Minh, đến đời vua Lê Kính Tông Canh Tý (1600) đổi là huyện Tiên Minh. Đến đời vua Duy Tân Đinh Mùi (1907) thành lập tỉnh Kiến An, đổi tên huyện Tiên Minh thàh huyện Tiên Lãng.
Khoảng hơn 10 năm sau, lúc đó vào đời vua Lê Thế Tông nhà Lê và vua Mạc Công nhà Mạc (1562 – 1592). Những huyện gần ven biển ở trấn Hải Dương hàng năm thường bị gió bão liên tiếp nhất là những trận bão lớn sức tàn phá rất nặng nhà cửa bị đổ, đê điều bị phá vỡ, nước mặn tràn vào ruộng đồng, làng mạc, lúa má hoa mầu cây cối đều bị chết úng, của cải gia súc tổn thất rất nhiều, đồng ruộng bị bỏ hoang, giá thóc gạo ngày càng tăng vọt, hạt gạo quý hơn hạt vàng. Một sào ruộng lúc này chỉ có thể đổi được vài ba đấu gạo, nạn đói ngày càng trầm trọng, bệnh tật phát sinh dịch trễ hoành hành, đời sống nhân dân càng bị đe dọa khủng khiếp.
Vì thế nhiều gia đình phải rời bỏ nhà cửa, đắt vợ dìu con đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai.
Các con của cụ Thủy Tổ cũng phải đi lưu tán mỗi người một nơi để làm ăn sinh sống.
Đến đời vua Lê Thế Tông (1592). Nhà Lê đánh thắng nhà Mạc, bắt sống được vua nhà Mạc là Mạc Hậu Hợp, con cháu dư đảng nhà Mạc phải rút lên cố thủ Cao Bằng. Hai trấn Hải Dương và kinh bắc chiến tranh được tạm ổn.
Sau thời gian được khôi phục, triều đình nhà Lê sai một số quan chức về các làng mạc quận huyện hiểu dụ nhân dân và lệnh cho những người dân lưu tán được trở về đất cũ khôi phục lại nhà cửa ruộng vườn, tăng gia sản xuất.
Người nào trở về đất cũ làm ăn thì được miễn lao dịch 03 năm và giảm một phần tô thuế.
Nhờ đó, người con trưởng của cụ Thủy Tổ là Vũ Phúc Lễ cùng với vợ con trở về đất cũ khôi phục lại nhà cửa ruộng vườn sản xuất chăn nuôi, từ đó trở đi đời sống trong gia đình dần dần được ổn định và trở lên sung túc.
Người con thứ 2 của cụ Thủy tổ là Vũ Chính Trung, cư trú tại thôn Đại Phu, huyện Bình Lục, phủ Lại Nhân (Lý Nhân), trấn Sơn Nam.
Người con thứ 3 của cụ Thủy Tổ là Vũ Minh Đạo làm tự ở chùa Tiêu Động.
Còn hai cụ con thứ tư và thứ năm của cụ Thủy Tổ thì thiên cư vào ở tỉnh Thanh Hóa.
Người con thứ hai của cụ Thủy Tổ Vũ Phúc Sinh là Vũ Chính Trung, thiên cư ở thôn Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lại Nhân (Lý Nhân), trấn Sơn Nam.
Cụ là người học thức thông minh, hiểu nhiều biết rộng, tính tình nhân hậu, phẩm chất thanh cao, lao động cần cù, chăm lo mọi việc, tề gia lấy lòng nhân hậu, sử thế lấy lễ ôn hòa, mở mang học vấn phát triển văn chương, truyền cho con cháu đời đời nối tiếp, ngày càng thịnh đạt hiển vinh, con cháu nhiều đời thi đỗ làm quan.
Được Triều đình tặng phong đôi câu đối:
Vũ thị Bao Phong Ân quốc Sủng
Lê triều tích mệnh chấn gia thanh.
Đến đời vua Lê Hiến Tông cảnh hưng thứ 5 năm Giáp tý (1744). Người cháu năm đời của cụ Tổ Vũ Chính Trung ở chi Đại Phu xã An Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân là cụ Vũ Xuân Loãn đang nhận chức chi huyện huyện Đông Quan, làm tri phủ – phủ Thái Bình trấn Sơn Nam, cùng một số người trong chi họ đã thân hành về thôn Phú Cơ, xã Đồng Hùm, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương để vấn tổ tầm tông bái yết tổ đường. Đồng thời bổ trâu, lợn làm lễ thần kính dân và cung tiến cho dân thôn một số tiền tu sửa lại ngôi đình Vọng Cung.
Chép thêm về chi nhánh thôn Viên Tu xuất phát từ chi Đại Phu.
Đời vua Nguyễn Huệ liên hiệu Quang Trung (1788 – 1792). Ở chi Đại Phu có người cháu 7 đời của cụ Tổ Vũ Chính Trung là Vũ Minh Đạt (con cụ Vũ Xuân Hoa).
Cụ Vũ Minh Đạt là người có học thức rộng am hiểu cả về môn phong thủy (môn địa lý) đến thôn Viên Tu xã La Hào, thấy nơi đây là nơi cát địa, phong cản tươi đẹp, ruộng đất phì nhiêu, sinh sống ở đây sau này con cháu sẽ phát đạt, hiển vinh. Cụ bèn chuyển cư đến đó xây dựng cửa nhà, sinh cơ lập nghiệp, tăng gia sản xuất, cày cấy chăn nuôi, đời sống gia đình ngày càng sung túc, con cháu đời sau ngày càng đông đúc của cải dồi dào.
Cụ Vũ Minh Đạt kết hôn cùng cụ bà là cụ Nguyễn Thị sinh được 3 con trai:
1. Vũ Cư Chi.
2. Vũ Đình Thỏa.
3. Vũ Duy Nghiêm.
Hai cụ Vũ Đình Thỏa và Vũ Duy Nghiêm chết sớm chưa có con.
Còn cụ con trưởng là Vũ Cư Chi sinh được 3 con trai:
1. Vũ Bá Chính.
2. Vũ Dưỡng Anh.
3. Vũ Duy Học
Người con thứ hai là cụ Vũ Dưỡng Anh sinh được hai con trai là Vũ Khắc Cung và Vũ Khắc Luân.
Người con thứ 3 là cụ Vũ Duy Học sinh được 1 con trai là Vũ Xuân Cát.
Con cháu từ đời này trở xuống ngày càng thịnh vượng, phát triển cả về người và của, nhiều đời đã có những cụ nổi tiếng về văn học. Đến nay số nhân khẩu trong chi họ đã chiếm tới nữa số dân ở thôn Viên Tu.